Wednesday, July 19, 2017

Những vụ mất tích rùng rợn được nghiên cứu và ghi chép lại

Có ai tò mò và hứng thú về những vụ mất tích khá rùng rợn được kể trong series nổi tiếng "Câu chuyện của nhân viên tìm kiếm cứu hộ cục kiểm lâm Hoa Kỳ" không nhỉ? Dưới đây là những vụ mất tích cũng tương tự vậy. Toàn bộ là kết quả điều tra của David Paulides (cựu cảnh sát, thám tử) - người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành hành pháp đã phân tích các vụ án mất tích trên khắp Bắc Mỹ . Ông đã phát hiện được 1 số điểm tương đồng đáng kinh ngạc, 1 motip bí ẩn trong nhiều vụ mất tích.


Ông đã thu thập được khoảng 2.000 trường hợp với các đặc điểm bí ẩn tương đồng. Những vụ án này tập trung tại các khu vực nhất định, đặc biệt xung quanh những nơi có nước và trong các vườn quốc gia. Nếu nạn nhân mất tích được phát hiện khi vẫn còn sống, họ thường sẽ bị mất trí nhớ. Nếu họ được phát hiện khi đã chết, thì sẽ khó có thể xác định được nguyên nhân tử vong. Những người này đôi lúc được phát hiện tại một khu vực dường như họ không thể tự mình đi đến, hay họ được phát hiện tại một địa điểm vốn đã được lục soát rất kỹ lưỡng trước đó.

Ông Paulides đưa ra ví dụ về một cậu bé với thi thể được tìm thấy đang nằm trên một thân cây bị đổ. Cây này lúc đó nằm dọc theo con đường mòn mà đội tìm kiếm đã đi qua nhiều ngày trước khi thi thể cậu bé đột nhiên xuất hiện ở đây.

Những người được phát hiện thường không đi giày dép hay mặc quần áo. Điều kỳ lạ là, các chú chó tìm kiếm cứu nạn đã không thể đánh hơi được mùi nạn nhân, ông Paulides nói. Một số người huấn luyện chó đã chia sẻ với ông Paulides rằng những chú chó tìm kiếm cứu nạn của họ đã có biểu hiện khá kỳ lạ, khi đi lại một chút, xoay vòng, rồi ngồi xuống.

Các nhà điều tra không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào và các vụ mất tích thường xảy ra ở những khu vực không có hiểm họa từ các loài động vật hoang dã, và các thi thể cũng không thấy xuất hiện các dấu vết do bị tấn công bởi động vật.

Những người bị mất tích thường nằm ở hai cực của năng lực trí tuệ. Họ hoặc là người thiểu năng hoặc là người xuất chúng, ông Paulides nói. “Ý tôi là người cực kỳ xuất chúng”, ông nói thêm. Những người đồng hành của những nạn nhân mất tích thường nói rằng, “Bằng cách bí ẩn nào đó, chúng tôi đã bị chia cách nhau”.

Các cuộc điều tra của Paulides bắt đầu vào năm 2009, khi ông chuẩn bị nghỉ hưu khỏi lực lượng cảnh sát San Jose. Hai nhân viên kiểm lâm đều từng làm ở một số khu rừng đã bảo ông rằng họ tin rằng nhiều vụ việc mất tích bí ẩn tại các khu rừng đòi hỏi phải tiến hành thêm nhiều cuộc điều tra.
Kể từ đó, ông Paulides đã mở rộng phạm vi tìm kiếm sang các vùng đô thị, nơi ông đã tìm thấy các vụ việc với những đặc điểm tương đồng. Và không phải tất cả chúng đều xảy ra vào thời hiện đại; ông đã nhìn ngược trở lại thế kỷ 19 và phát hiện thấy các vụ mất tích tương tự.

Ông Paulides đã đưa ra một số ví dụ về những đối tượng đã ở một nơi vào một thời điểm, nhưng lại đột nhiên xuất hiện tại một nơi khác cách đó khá xa, trong một khoảng thời gian không lâu sau đó. Trong hai vụ mất tích của hai đứa trẻ sơ sinh, đặc điểm khó hiểu này là cực kỳ nổi bật, vì những đứa trẻ sơ sinh này rõ ràng không thể tự mình di chuyển những khoảng cách xa như vậy.

Ngày 13/7/1957, đứa bé 2 tuổi tên David Allen Scott đã bị thất lạc ở khu vực hồ Twin Lakes thuộc dãy núi Sierra Nevada. Cha cậu đã nhìn thấy cậu, và đi vào chiếc xe lưu động của ông trong giây lát, nhưng khi quay trở ra thì cậu đã biến mất.

Khu vực này không có nhiều cây bao phủ, tầm nhìn lúc đó khá tốt, nhưng đội tìm kiếm cứu nạn lại không thể tìm thấy cậu bé cho tới ba ngày sau—sau khi leo lên sườn một ngọn núi lân cận, xuống theo phía sườn bên kia, rồi lại leo lên sườn một ngọn núi khác.

“Cậu bé khó có thể tự mình đi bộ qua một bãi đỗ xe”, ông Paulides nói. Rõ ràng cậu bé đã không tự mình thực hiện cuộc hành trình này.

Một cậu bé 2 tuổi khác, tên Keith Parkins, đã bị mất tích gần nhà ở Ritter, bang Oregon, Mỹ vào ngày 10/4/1952. Cậu đã chạy xung quanh kho thóc và không thể được nhìn thấy lần nữa cho tới khi được phát hiện còn sống 19 giờ sau đó tại một địa điểm cách đó khoảng 24 km, trong tư thế nằm sấp mặt xuống một vũng nước đóng băng.

Những người mất tích thường được phát hiện ở nơi có nước, nhưng "những trường hợp này khác xa các vụ đuối nước thông thường", ông Paulides nói. Nhiều trường hợp ông Paulides điều tra đã xảy ra xung quanh khu vực Ngũ Đại Hồ, nhưng cũng xuất hiện xung quanh các vùng nước ở khu vực đô thị và khu vực khác.

Jelani Brinson, một ngôi sao bóng đá 24 tuổi ở trường đại học đã được phát hiện tử vong trong một ao nước tại sân gôn ở hạt Anoka, bang Minnesota. Anh đã mất tích tại nhà một người bạn vào lúc 10:30 tối ngày 17/4/2009. Các nhà điều tra đã tìm thấy chiếc mũ của anh trong một cái sân sau ở gần đó, còn đôi giày thì ở một cái sân khác.

Vào thời điểm đó trời đã mưa trong vài ngày và sân golf khá lầy lội, tuy nhiên đôi tất của Brinson vẫn còn sạch. Có vẻ như anh đã không đi bộ đến đó, mà đã được ai đó đặt vào trong cái ao.

“Cậu ta không chết đuối”, ông Paulides nói. Nguyên nhân cái chết vẫn chưa thể được xác nhận. Không chỉ vậy, cái chết của anh ta là một trong số nhiều trường hợp tử vong ông Paulides đã nhận diện được trong khu vực.

Ông Paulides đã viết nhiều cuốn sách thuật lại các cuộc điều tra của mình, bao gồm “Missing 411: A Sobering Coincidence "(tạm dịch: Vụ mất tích 411: Một sự trùng hợp đúng mức). Trong đó đề cập đến trường hợp các chàng trai trẻ biến mất ở các thành phố gần nguồn nước. Hầu hết các trường hợp này đều xảy ra ở bang Minnesota và bang Wisconsin.

Một trường hợp điển hình là, các chàng trai trẻ đang trong quán bar uống rượu với bạn bè và không ai nhìn thấy họ rời đi. Vài ngày sau họ được phát hiện tử vong dưới nước. Tuy rằng nếu nhìn thoáng qua chúng ta có thể dễ dàng cho rằng chính tình trạng say xỉn đã khiến những chàng trai này ngã xuống nước chết đuối, ông Paulides lại cho rằng nó không đơn giản như vậy.

Lấy ví dụ, một hiện tượng thường thấy là một chàng trai trẻ đã bị mất tích nhiều ngày được tìm thấy, nhưng nhân viên điều tra các vụ chết bất thường có thể thấy rằng thi thể mới chỉ nằm trong nước được một vài ngày. Điều này cũng đúng đối với các trường hợp ở các khu rừng và những nơi hoang dã.

Các trường hợp tương tự cũng đã xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới, tuy rằng ông Paulides chưa điều tra tất cả chúng một cách chi tiết.

Gần đây, “các ca tử vong ở kênh đào Manchester” đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Báo chí ở Anh phỏng đoán rằng hàng chục thi thể, hầu hết là nam, được phát hiện trong một kênh đào ở Manchester trong vòng vài năm trở lại đây có thể là nạn nhân của một kẻ giết người hàng loạt, gọi là “The Pusher (tạm dịch: kẻ đẩy người)”.

Nhưng ông Paulides cho rằng kênh đào này khá nông, và thật kỳ lạ khi những chàng trai này có thể chết đuối dưới đó. Ông tự hỏi phải chăng câu chuyện này còn có ẩn khuất nào đó?

Không chỉ có những vụ mất tích bí ẩn gần nguồn nước, trong cuốn "Missing 411" cũng có đề cập đến 2 vụ mất tích khá nổi tiếng và đáng chú ý, nổi cộm vào đầu những năm 1990.

Đầu tiên phải kể đến những vụ mất tích của hơn 1.100 người tại công viên Quốc gia Mỹ. Giống như bị thế lực vô hình nào đó bắt đi, hàng ngàn người đã bốc hơi trong công viên đầy cây cối rộng hơn 84 triệu héc ta này. Các nạn nhân bao gồm cả khách tham quan và dân bản địa, họ đều biến mất mà không có dấu vết gì để lại.

Thậm chí, nhiều nạn nhân còn mất tích ngay trước mắt mọi người trong nhóm. Paulides, đã kể về việc ông từng điều tra về những vụ mất tích ở khu rừng này. Ông nghỉ lại qua đêm ở một phòng trọ gần đó. Buổi tối hôm đó, 2 nhân viên kiểm lâm đã tới gõ cửa và muốn ông lắng nghe. Họ đã làm việc tại nhiều công viên khác trước đó cũng như tham gia tìm kiếm nhiều vụ mất tích trong rừng. Thế nhưng, ở khu rừng quốc gia này thì đó lại hoàn toàn bí ẩn và kỳ lạ, nhiều vụ mất tích thậm chí còn không được điều tra và như bị che giấu sự thật đằng sau vậy.

Một trường hợp khác là vụ mất tích của cậu bé người Mỹ tên là Casey Holiday (11 tuổi). Casey được thông báo mất tích vào ngày 14/10/1990 vào khoảng 10h sáng gần nhà thuộc thành phố Maries, bang Idaho, Mỹ. Casey sinh ra vốn đã là trẻ khuyết tật, cậu sống cùng với bác của mình tại căn hộ cách thành phố Maries 8 dặm về phía Nam.

Được biết, hôm đó, Casey đi dạo cùng với chú chó quanh khu vực Alder Creek. Vào thời điểm Casey mất tích, thời tiết lúc đó rất khắc nghiệt. Vì vậy, chó nghiệp vụ cũng không thể lần ra được dấu vết của Casey và chú chó.

Với hơn 100 người được huy động để tìm kiếm, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Tưởng như cuộc tìm kiếm đã đi vào bế tắc thì bất ngờ 2 ngày sau, cậu bé lại xuất hiện đúng nơi mà cậu đã mất tích!

Lúc đó chân Casey không mang giày, cậu bé đã bị rơi vào tình trạng hoảng loạn, ăn nói lảm nhảm và bị mất trí nhớ, không ai biết tại sao cậu bé lại xuất hiện ở nơi mà hơn 100 người đã "cày nát" song vẫn không có dấu vết gì và lại có thể sống sót trong thời tiết lúc bấy giờ với đôi chân trần.

Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải nguyên nhân những vụ mất tích như thế lực siêu nhiên nào đó (cầu thang giữa rừng chẳng hạn), alien, bigfoot... Nhưng chưa ai thực sự biết nó là gì.

Link trang web về dự án CanAm Missing của David Paulides: http://www.canammissing.com/page/page/8396197.htm

Chia sẻ bởi Aishitero Yu
Previous Post
Next Post
Related Posts

0 comments: